Bệnh ghẻ nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh ghẻ

Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ và cách điều trị ra sao hôm nay nhathuocminhhung.com sẽ chia sẻ với các bẹn biết được các hoạt động của cái ghẻ như thế nào nhé.

I. Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ là do đâu

Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da, phổ biến ở những nơi ăn ở chật chội, thiếu vệ sinh, có ở mọi lứa tuổi.

Bệnh ghẻ ở bàn chân

Bệnh ghẻ do một loại ký sinh trùng trên da gọi là “cái ghẻ” gây nên. Tên khoa học là Sarcoptes scabiei, cái ghẻ hình tròn đường kính khoảng 1/4 mm.

Mắt thường trông thấy như một chấm trắng dục, để trên mặt kính hoặc móng tay bạn sẽ thấy nó nhúc nhích cử động

Nhìn vào kính hiển vi, nó giống như con rùa có 8 chân, 4 chân trước có ống hút, 4 chân sau có sợi tơ dài, ghẻ đực nhỏ hơn ghẻ cái.

Sau khi giao hợp ở trên mặt da, ghẻ đực chết đi, ghẻ cái chui xuống lớp nông của thượng bì, đào 1 đường hầm nhỏ như sợi chỉ dài 20mm – 0,5cm và đẻ trứng ở đây.

Hình ảnh ghẻ phóng to

Trứng ghẻ khoảng 8 ngày sau sẽ thành ấu trùng, chui ra khỏi đường hầm, đi đến 1 nơi khác để phát triển và sinh sản. Con cái ghẻ thường bò ra khỏi hầm vào lúc ban đêm, bò trên mặt da gây ngứa ngáy khó chịu và gây lây lan cho người với người, rụng ra chăn chiếu.

Ghẻ đào hang dưới lớp da

Bệnh ghẻ có thể lây gián tiếp qua đồ dùng (ở ngoài cơ thể ghẻ có thể sống 1-2 ngày) hoặc trực tiếp do bắt tay.

Ngoài ra, bệnh nhân ngứa gãi nhiều về đêm, làm bật các cái ghẻ từ các luống ghẻ, tạo điều kiện gieo các mầm bệnh ra chung quanh.

II. Sự phát triển của ghẻ và các tổn thương chúng đem lại trên da

1) Thời kỳ ủ bệnh: 02-10 tuần.

2) Thời kỳ toàn phát :

Bệnh ghẻ ngứa nhiều về đêm. Lúc đầu ngứa một chỗ, sau đó lan khắp người (trừ mặt và lưng) và gây ngứa cả nhà, cả tập thể.

3) Các tổn thương ghẻ gây ra :

Có 2 loại :

a) Tổn thương đặc hiệu của bệnh ghẻ:

Không xuất hiện rõ ràng và dễ thấy mà phải tìm kiếm ở những vị trí đặc biệt.

+ Luống ghẻ: Là một đường rất nhuyễn, cong, khúc khuỷu thường xám hay đen do đất và phân con ghẻ, có khi màu trắng dõi với người ở sạch và trường hợp này rất khó tìm. Luống ghẻ có rất ít hoặc không có và thường ở vị trí bàn tay, cườm tay, mu bàn chân của trẻ sơ sinh.

+ Mụn nước: Rất ít và thường nằm ở kẽ tay.

b) Tổn thương không đặc hiệu :

Do gãi nhiều gây nên.

+ Sẩn hạt kê:

Sẩn nhọn trên đầu, do gãi nhiều, sẩn có thế xuất huyết và đóng mài.

+ Lằn gãi: Là những vết cào xước do gãi.

+ Tổn thương chàm và tổ đỉa: Do gãi nhiều hay bôi thuốc bừa bãi, tổn thương hóa chàm và tổ đỉa.

+ Tổn thương viêm da mủ: Trường hợp ghẻ bội nhiễm.

Các tổn thương không đặc hiệu trên làm ghẻ có hình thái đa dạng khó chẩn đoán.

c) Vị trí tổn thương của ghẻ;

Rất đặc hiệu và có giá trị chẩn đoán.

Tổn thương thường ở các vị trí da non như nếp kê tay, mặt bên các ngón, mặt trước cườm tay, cùi chỏ, nách, quầng vú, rốn, quanh rốn, bộ phận sinh dục, mông, dúi, háng. Ở trẻ con thương tổn thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, mặt, da đầu.

Ở bộ phận sinh dục nam, thương tổn thường là những sẩn mủ hay sẩn đóng mài đưa đến loét khiến ta có thể chẩn đoán lầm với các bệnh da liễu.

III. Diễn biến và biến chứng phát triển của bệnh ghẻ:

Nếu không điều trị, bệnh sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Nếu điều trị: Bệnh có thể tái phát 15 ngày sau khi lành bệnh.

Nếu không điều trị hay điều trị bừa bãi sẽ gây các biến chứng như:

+ Chàm: Có thế do con ghẻ hay thuốc bôi ghẻ gây nên. Người có chàm trước kia có thể dễ bị biến chứng chàm, ở nữ giới biến chứng chàm trên vú thường thấy.

+ Nhiễm trùng da:

Thường thấy nhất là ở người bẩn, trẻ con.

Tổn thương nhiễm trùng có thể lan tới những vị trí mà ghẻ chừa ra (mặt, đầu, lưng) làm chẩn đoán sai. Tổn thương nhiễm trùng có thể là: chốc, abces vú, viêm nang lông, đinh râu.

+ Viêm cầu thận cấp: Gặp trong trường hợp bệnh ghẻ nặng nhiễm trùng nhất là ớ trẻ em, nhưng hiếm gặp.

IV. Chẩn đoán bệnh ghẻ

1) Chẩn đoán xác định:

Căn cứ vào:

– Triệu chứng suy đoán: ngứa tập thể, ngứa cả nhà và vị trí đặc hiệu của tổn  thương (nơi có, nơi không có).

– Triệu chứng chắc chắn: dựa vào luống ghẻ, bắt cái ghẻ.

2) Chẩn Đoán gián biệt

Với các triệu chứng ngứa khác:

Rận mu: Chỉ ở mu, nhưng có ở vị trí khác.

Săng giang mai: Không ngứa, có tiền sử tiếp xúc bệnh, VDRL (+).

Hạ cam mềm: Có tiền sử tiếp xúc với bệnh, hạ cam có bờ đôi, đau.

Herpès: Thương tổn mọc thành chùm.

Prurigo strophulus: sẩn (thường có đóng mài) thường ở mặt duỗi tứ chi, không ngứa nhiều về đêm, không lây.

V.- ĐIỀU TRỊ BỆNH GHẺ:

1) Hướng dẫn cách điều trị:

a) Phát hiện sớm và điều trị sớm khi ghẻ còn giản đơn lẻ tẻ, vì khi ghẻ đã có biến chứng nhiễm trùng, viêm da hoặc lan tràn trong tập thể, điều trị sẽ khó khăn và tốn kém.                                                                   ‘

b) Điều trị đúng phương pháp: Tốt nhất là bôi thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ để giữ một đậm độ thuốc cao khi ghẻ bò ra khỏi hang. Bôi rộng kiểu loang dầu khắp các vùng có tổn thương ghẻ hoặc bôi từ cổ xuống chân.

Tốt nhất nên bôi 3 tối liền đến sáng ngày thứ 4 mới tắm và thay quần áo (nhằm để thuốc tẩm vào quần áo bao vây khắp vùng da có ghẻ). Hoặc có thể tắm trước mỗi lần bôi thuốc.

c) Điều trị kết hợp với các phương pháp phòng bệnh như: Điều trị cùng lúc tất cả những người bị bệnh ghẻ trong gia dinh, trong tập thể, quần áo và chăn chiếu hoặc luộc nước sôi hoặc phơi nắng liên tiếp nhiều ngày, không dùng chung hoặc giặt chung quần áo với người bệnh.

d) Thường bệnh ghẻ có thể tái phát sau 15-20 ngày (vì có những đợt trứng sống sót mới nở) cần phát hiện và tái điều trị kịp thời).

2) Phương pháp điều trị bệnh ghẻ:

a) Ghẻ thường:

Có thể dùng các thuốc thoa sau đây :

–  Mỡ Sulfur 3%, 5%, 10%

 –  Polysulfur de Kalium 10%, 20%.

–  Hyposulfite de soude 20% thoa xong, đổ khô 3 phút, sau đó thoa dung dịch HCL 5%.

–  Dầu hôi (dầu hỏa), xylol, naphtol, Crésyl.

–  Benzoate de Benzyl.

–  DEP (Diethyl phtalate).

–  Lindane 1% (chống chi định ở phụ nữ có thai hay cho con bú).

–  Crotamiton 10%: có thêm tác dụng chống ngứa.

Thường thì triệu chứng ngứa có thể tồn tại nhiêu tuần sau điều trị, nếu thấy   triệu chứng lâm sàng chưa giảm sau 1 tuần, có thể bôi thuốc trở lại.

Điều trị theo đông y: Hạt máu chó ép thành dấu hoặc tán thành bột chưng với đậu phộng, mỡ heo, tắm với lá ba gạc, lá báng sưng, lá xoan, lá đào (lá nấu với nước cho sôi để ấm rồi tắm).

b) Ghẻ bội nhiễm:

– Tắm bằng thuốc tím pha loãng.

– Thoa dung dịch sát trùng: Milian, Eosine.

– Uống thuốc kháng sinh: Tetracycline, Ampicilline, Erythromycine…

– Sau đó mới điều trị bằng thuốc bôi ghẻ.

c) Ghẻ chàm hóa:

– Điều trị chàm trước rồi mới dùng các thuốc bôi ghẻ sau.

– Không dùng Sulfur bôi vì có thể gây viêm da tiếp xúc. Có thể dùng Benzoate de Benzyl dù có thể có phản ứng da.

VI. Kết luận về bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh thường thấy nhất trong các bệnh ngoài da, điều trị không khó khăn nhưng vì bệnh nhân không ý thức đến các phương pháp điều trị và phòng ngừa, khiến bệnh tồn tại lâu dài và hay tái đi tái lại nhiều lần.

Xem thêm
Cách trị mụn trứng cá

Bệnh zona và các phương pháp điều trị

Rate this post