Những điều cần biết khi dùng thuốc bổ

Những điều cần biết khi dùng thuốc bổ

Những điều cần biết khi dùng thuốc bổ như thế nào cho đúng? Lâu nay rất nhiều người có những quan niệm sai lầm về thuốc bổ, cho rằng đã là thuốc bổ thì chỉ có lợi chứ không có hại gì cho cơ thể. Họ cho rằng dùng thuốc bổ càng nhiều càng tốt, người già lại chỉ nên dùng thuốc bổ.

Cũng nhiều người cho rằng, với thuốc bổ thì không cần thầy thuốc hướng dẫn cách sử dụng v.v…

Những điều cần biết khi dùng thuốc bổ
Những điều cần biết khi dùng thuốc bổ

Thực tế hoàn toàn không phải như vậy!

Trước hết cần phải hiểu rõ thuốc bổ là gì? Theo nghĩa đen thì bổ có nghĩa là bổ sung, là vá, đắp. Cơ thể người bệnh thiếu chất gì, yếu kém mặt nào thì phải bổ sung chất đó, củng cố mặt đó. Như vậy, trước khi quyết định dùng thuốc bổ, cần phải xác định được cụ thể mình cần dùng loại thuốc bổ nào cho thích hợp và tránh dùng những loại thuốc bổ nào.

Từ định nghĩa trên dễ dàng thấy rằng, thuốc bổ của người này có thể sẽ có hại đối với người khác, và ngược lại.

Xin dẫn chứng một số trường hợp cụ thể. Có người mới cảm cúm hơi đỡ, vẫn còn sốt và mồ hôi chưa ra đã vội uống thuốc “Thập hoàn đại bổ” làm cho bệnh tăng thêm. Thuốc “ Bổ trung ích khí” cũng rất không tốt với những người bị cảm không ra mồ hôi hoặc hay bị ói, bị nấc.

Ngược lại, có người đang bị tiêu chảy, nghe nói “lục vị hoàn” là thuốc bổ, uống vào, làm bệnh tăng thêm, tiêu chảy nhiều hơn.

Ngay với các vị thuốc bổ thông dụng nhất là nhung hươu và nhân sâm, các sách thuốc cũng đều có nói rất rõ là có thể làm tăng huyết áp. Câu chuyện tiếu lâm “Phúc thông nhục nhân sâm tắc tử” (đau bụng uống nhân sâm tất chết) cho thấy, đùa với thuốc cũng có nghĩa là đùa với tử thần.

Theo y học cổ truyền, cơ thể con người muốn khỏe mạnh cần phải được cân bằng âm – dương, khí – huyết. Vì thế, thuốc bổ thường rất cần cho cơ thể, nhưng nếu

dùng quá đi thì chắc chắn đã không có lợi mà còn có hại, vì nó phá vỡ sự cân bằng cần thiết nói trên.

Lợi dụng những quan niệm sai lầm về thuốc bổ ở người tiêu dùng, một số nhà thuốc, quầy thuốc đã cố tình đưa rất nhiều vị thuốc bổ không cần thiết vào đơn thuốc.

Rất nhiều thầy thuốc đã cho đủ thứ quy, thục, kỷ tử, táo tàu… vào thang thuốc. Làm như thế, cùng một lúc họ đạt được cả mấy cái lợi: Chứng tỏ được cho người tiêu dùng thấy rõ giá trị (đúng ra là trị giá chứ không phải là giá trị sử dụng), thuốc ngọt, dễ uống, nhưng quan trọng hơn là thu được lợi nhuận cao, quay vòng vốn nhanh.

Chỉ có người tiêu dùng là phải chịu thiệt hại về kinh tế và rất có thể thêm cả thiệt về sức khỏe. Chúng ta nghĩ gì về dung tích rất hạn chế của cái ấm sắc thuốc thường bán ở chợ? Chúng ta cũng suy nghĩ gì khi biết các đơn thuốc do ngự y kê cho hoàng đế cũng chỉ thường có 2 – 3 quả táo mà thôi?

Trong cơ chế thị trường, để tiện sử dụng, các bài thuốc bổ của đông y cũng được chế biến sẵn dưới dạng tân dược của quảng cáo rất tùy tiện, nhiều người cứ theo quảng cáo, mua thuốc về dùng không cần hỏi ai.

Kết quả có lẽ là…“rủi may âu cũng tại trời”.

Rõ ràng thuốc dù là thuốc bổ hay thuốc bệnh, cũng đều là con dao hai lưỡi không thể bất cập hoặc thái quá và một điều không thể không nhắc lại: muốn dùng thuốc hợp lý thì phải có thầy thuốc chỉ dẫn cụ thể.

Xem thêm
Bài thuốc chữa phong bại liệt tại nhà

Rate this post